ê buốt khi ăn đồ ngọt - colgate

Răng bạn có nhạy cảm với chất đường (ngọt) không?

Có thể bạn đã từng nghe nói tới tình trạng răng bị ê buốt khi uống đồ nóng hoặc lạnh, nhưng bạn có biết rằng răng cũng có thể bị ê buốt khi tiêu thụ thực phẩm chứa đường không? Nếu nước giải khát có đường là món ưa thích của bạn sau một ngày làm việc bận rộn, có lẽ bạn chưa nhận ra thứ thức uống này ảnh hưởng tới răng bạn như thế nào. Đọc tiếp để biết thêm về các dấu hiệu của răng ê buốt và cách khắc phục tình trạng này.

Răng ê buốt là gì?

Nếu răng của bạn ở trạng thái khỏe mạnh, một lớp men răng sẽ bao phủ và bảo vệ phần thân răng của bạn (phần phía trên đường viền nướu). Ngà răng nằm bên dưới men răng, có cấu trúc bớt đặc hơn men răng và chứa nhiều các ống và tủy cực nhỏ. Nếu bạn bị mòn men răng, thức ăn nóng, lạnh, chua hoặc đồ ngọt có thể tiếp cận với ngà răng của bạn, gây ra tình trạng răng ê buốt.

Theo Hiệp Hội Nha Khoa Hoa Kỳ, các nguyên nhân gây mòn men răng bao gồm:

  • Khô miệng hoặc tiết ít nước bọt (chứng khô miệng); Chế độ ăn uống (lượng đường và tinh bột cao);
  • Tiêu thụ nước giải khát quá mức (với nồng độ photphoric và axit citric cao);
  • Thức uống trái cây (một số axit trong thức uống trái cây có tính ăn mòn cao hơn axit trong pin)
  • Thuốc (aspirin, kháng histamin); Do di truyền (bệnh lý do thừa hưởng di truyền mà có); Các yếu tố về bên ngoài (ma sát, mòn theo thời gian, stress, và ăn mòn).
  • Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD); Các vấn đề về đường tiêu hóa;

Cách nhận biết tình trạng răng ê buốt? Nếu có răng ê buốt, bạn có thể gặp phải những cơn đau hoặc khó chịu do phản ứng với bất kỳ điều gì sau đây: thức ăn hoặc đồ uống ngọt, thức ăn và đồ uống nóng hoặc lạnh, thức ăn và đồ uống chua, đánh răng hoặc dùng chỉ nha khoa, và thậm chí khí lạnh và nước lạnh. Bạn có thể cảm thấy đau hoặc khó chịu ở chân răng.

Tại sao đường gây tổn thương răng?

Mặc dù đồ ăn hoặc thức uống chứa đường rất ngon miệng, nhưng chúng có thể làm mòn hoặc làm tan men răng của bạn. Theo Hiệp Hội Nha Khoa Ấn Độ, vi khuẩn trong miệng tác động lên phần đường bột có trong thức ăn tạo ra các axit. Axit sẽ làm mòn và phá huỷ men răng, gây ra tình trạng răng nhạy cảm và thậm chí sâu răng. Sau đó, khi bạn tiêu thụ thêm nhiều kẹo hoặc đồ uống có chứa đường, chúng có thể gây ra cơn đau tương tự như cơn đau đầu tiên bởi răng bạn đã trở nên nhạy cảm với đường.

Biện pháp khắc phục tình trạng răng ê buốt

Theo Chuyên trang Y học cộng đồng, răng ê buốt có thể được điều trị với các phương pháp sau:

Kem đánh răng giảm ê buốt. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây ê buốt, nha sĩ có thể đề nghị bạn sử dụng kem đánh răng giảm ê buốt với thành phần tác dụng ngăn chặn sự truyền cảm giác từ bề mặt răng đến các dây thần kinh.

Bôi phủ Fluoride định kỳ. Nếu kem đánh răng giảm ê buốt không làm giảm sự khó chịu của bạn, nha sĩ có thể đề nghị phương pháp điều trị tại phòng khám. Một loại gel Fluoride hay gel chống ê buốt được bôi lên vùng răng nhạy cảm. Lớp phủ này sẽ cứng lại trên răng và giảm thiểu truyền xung thần kinh đến răng, đồng thời củng cố men răng.

Bọc mão răng, trám răng inlay/onlay, hoặc phục hồi composite. Khi phủ Fluoride không hiệu quả, các phương pháp điều trị khác có thể được thực hiện như trám răng, bọc mão toàn phần hay bán phần, bôi keo lên vùng răng bị nứt hay sâu răng của răng bị nhạy cảm. Phương thức điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng răng nhạy cảm.

Phẫu thuật ghép nướu Nếu mô nướu đã bị tụt khỏi chân răng, nha sĩ có thể đề nghị ghép nướu nhằm bảo vệ chân răng và giảm ê buốt.

Triệt tủy. Trong trường hợp răng nhạy cảm quá mức, dai dẳng và các biện pháp trên không hiệu quả hoặc không thể thực hiện được thì điều trị nội nha (lấy tủy răng) có thể loại bỏ được ê buốt.

Ngoài ra, vệ sinh răng miệng đúng cách là biện pháp cốt yếu để khắc phục tình trạng ê buốt của răng. Bạn có thể cũng sẽ muốn thay đổi thói quen ăn uống và cắt giảm tiêu thụ đường hoặc đồ uống ngọt hàng ngày để có thể bảo vệ men răng của mình tốt hơn.

Nếu bạn đang tự hỏi "tại sao ăn đồ ngọt lại gây đau răng?", có lẽ đã đến lúc bạn cần thăm khám nha sĩ để đảm bảo sức khỏe răng miệng của bản thân. Răng ê buốt hoàn toàn có thể chữa trị được, chỉ cần bạn chú tâm chăm sóc răng miệng hơn và chú ý duy trì các thói quen ăn uống lành mạnh, bạn có thể tạm biệt tình trạng khó chịu này vĩnh viễn!