Nguyên nhân và cách điều trị nhiệt lưỡi đau họng - colgate

Viêm họng, viêm lưỡi là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân, cách điều trị

Chứng viêm lưỡi, viêm họng sẽ gây khó chịu và khiến bạn gặp khó khăn trong những hoạt động hàng ngày như ăn và nói. Đây có thể là triệu chứng của nhiều tình trạng bệnh lý, nhưng việc xác định nguyên nhân cụ thể sẽ tùy thuộc vào các dấu hiệu khác mà bạn gặp phải. Hãy cùng Colgate tìm hiểu thêm một số tình trạng bệnh lý có liên quan tới viêm họng và viêm lưỡi.

Viêm lưỡi là gì?

Bệnh viêm lưỡi

Viêm lưỡi là tình trạng lưỡi bị viêm, sưng tấy, mất nhú lưỡi. Lưỡi là bộ phận quan trọng của cơ thể, có chức năng hỗ trợ nhai, nuốt và phát âm. Bề mặt lưỡi gồm hàng nghìn nhú lưỡi tập hợp các tế bào thần kinh kết nối với não giúp bạn cảm nhận được mùi vị của món ăn.

Khi bị viêm lưỡi, các nhú lưỡi có thể bị biến mất khiến bạn mất vị giác. Bên cạnh đó, lưỡi cũng xuất hiện nhiều dấu hiệu bất thường gây ảnh hưởng đến khả năng phát âm, hoạt động ăn uống và sinh hoạt thường ngày của bạn.

Viêm lưỡi được phân thành 3 loại theo cấp độ, cụ thể như sau:

  • Viêm lưỡi cấp tính: Đây là tình trạng bệnh nhân có các triệu chứng viêm lưỡi nặng một cách đột ngột khi trải qua phản ứng dị ứng.

  • Viêm lưỡi mãn tính: Bệnh nhân bị tái phát viêm lưỡi liên tục và viêm lưỡi mãn tính sẽ thường là dấu hiệu của một căn bệnh y khoa nào đó.

  • Viêm teo lưỡi: Căn bệnh này còn có một tên gọi khác là viêm lưỡi Hunter. Khi người bệnh mắc phải căn bệnh viêm teo lưỡi, các nhú lưỡi sẽ dần biến mất kèm theo sự thay đổi về màu sắc của lưỡi. Vậy nên lưỡi của những bệnh nhân mắc chứng Hunter sẽ trơn bóng hơn bình thường.

Viêm lưỡi khiến các nhú lưỡi biến mất gây ảnh hưởng đến vị giác.

Viêm lưỡi bản đồ

Lưỡi bản đồ chính là những khoảng lưỡi có màu đỏ, không có nhú lưỡi, thường nhăn và có hình dạng giống như bản đồ địa lý. Khi vùng lưỡi bị bệnh lành lại, bệnh có thể xuất hiện tại những vị trí khác trên niêm mạc lưỡi. Chính vì thế, căn bệnh này còn có một tên gọi khác nữa là viêm lưỡi di trú lành tính.  

Mặc dù khi quan sát, tình trạng lưỡi bản đồ có vẻ khá nghiêm trọng nhưng căn bệnh này thường không gây ra những nguy hiểm, đồng thời không liên quan đến một số vấn đề như ung thư lưỡi hay nhiễm trùng. Tuy nhiên khi mắc phải căn bệnh này, lưỡi của người bệnh cũng nhạy cảm hơn với một số loại đồ ăn kể cả những loại gia vị thường ngày như muối, hay đồ ngọt. 

 

Chứng bệnh viêm lưỡi bản đồ là viêm lưỡi di trú lành tính.

Các dấu hiệu viêm lưỡi và cách nhận biết triệu chứng viêm lưỡi

Một số triệu chứng giúp nhận biết dấu hiệu viêm lưỡi:

  • Lưỡi và họng đổi màu, mất sắc tố bình thường.

  • Viêm loét miệng.

  • Lưỡi sưng, đau và khó nuốt.

  • Có dấu hiệu nứt ở lưỡi.

  • Ngứa ran, bỏng rát hoặc tê trong miệng.

  • Nhạy cảm với thức ăn nóng, cay hoặc đồ có tính axit.

  • Không cảm nhận được mùi vị của thức ăn.

Hãy nhớ tham khảo ý kiến nha sĩ hoặc bác sĩ nếu bạn phát hiện bản thân có những triệu chứng trên và thấy khó chịu liên tục trong khoang miệng. Việc chẩn đoán bệnh và phương pháp điều trị chuẩn xác sẽ tùy thuộc vào các triệu chứng đi kèm với tình trạng viêm họng và viêm lưỡi.

Nguyên nhân gây ra viêm họng và viêm lưỡi

Viêm họng có biểu hiện họng đau, rát và ngứa, đặc biệt dễ nhận thấy khi bạn nuốt. Nếu lưỡi bạn bị sưng và khó chịu khi ăn hoặc uống một số loại thức ăn (cay, nóng và các thức ăn hoặc đồ uống có tính axit), bạn có thể đã bị viêm lưỡi. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến gây ra viêm lưỡi.

1. Thiếu máu thiếu sắt

Viêm lưỡi là một trong những cảnh báo của cơ thể về tình trạng thiếu máu, thiếu sắt. Sắt là thành phần rất quan trọng trong quá trình tái tạo hồng cầu. Và lượng myoglobin có trong hồng cầu lại có mối quan hệ mật thiết trong cấu trúc mô cơ của lưỡi. Vậy nên, những người không bổ sung đủ sắt sẽ dẫn đến thiếu máu và có nguy cơ bị viêm lưỡi.

2. Thiếu vitamin B12

Thiếu vitamin B12 thường gặp ở những người ăn chay trường, những người có vấn đề về tiêu hóa hoặc sử dụng quá nhiều rượu bia. Theo MSD Manual, cơ thể bị thiếu hụt vitamin B12 sẽ dễ dẫn đến những vấn đề như thiếu máu hồng cầu, mất gai lưỡi, sưng và viêm lưỡi.

Sự thiếu hụt vitamin nhóm B này trong thời gian đầu sẽ khiến lưỡi bạn sưng, đỏ và có cảm giác đau. Nếu bạn không thay đổi chế độ ăn và bị thiếu vitamin trong thời gian dài, các triệu chứng sẽ càng trở nên nghiêm trọng hơn.

3. Loét miệng

Loét miệng, hay còn được gọi là loét áp-tơ hoặc lở nhiệt miệng, là các vết loét nhỏ, đau phát triển bên trong miệng. Các khu vực bị ảnh hưởng có thể bao gồm lưỡi, má trọng, nướu và vùng amidan. Loét miệng có màu trắng, vàng hoặc xám và có viền đỏ. 

Nếu bạn có cảm giác nóng rát hoặc ngứa ran trên lưỡi và họng, hãy nhìn bên trong miệng để xác định liệu bạn có bất kỳ vết viêm loét nào hay không. Tin tốt là những vết viêm loét này có thể tự lành mà không cần điều trị. Nhưng nếu các vết viêm loét này vấn tiếp diễn hoặc không tự khỏi sau 7-14 ngày, bạn nên tham khảo ý kiến của nha sĩ hoặc bác sĩ.

4. Nấm miệng

Nấm miệng, hay còn gọi là nhiễm nấm candida, cũng là một tình trạng gây ảnh hưởng đến lưỡi và họng. Nấm candida thường sống trong miệng, họng và phần còn lại của đường tiêu hóa. Sự phát triển quá mức của vi sinh vật này có thể gây nhiễm trùng. 

Các triệu chứng nấm miệng bao gồm các tổn thương màu trắng trên lưỡi, trong má và có thể lây lan đến hàm ếch, nướu và vùng amidan. Bạn cũng có thể cảm giác đỏ rát và đau nhức ở vùng miệng và vùng họng khiến bạn gặp khó khăn khi ăn hoặc nuốt.

5. Hội chứng miệng bỏng rát

Nếu bạn cảm thấy rát lưỡi đột ngột và lặp đi lặp lại, đây có thể là một bệnh lý gọi là hội chứng miệng bỏng rát (glossodynia). Tình trạng này ảnh hưởng tới lưỡi và các bộ phận khác trong miệng như nướu, môi, má trọng, họng và vòm miệng. Sự khó chịu của tình trạng này có thể nghiêm trọng đến mức khiến bạn cảm thấy như bị bỏng trong miệng của mình.

6. Bệnh lý

Các cơ và nhú lưỡi có thể bị tấn công bởi các loại virus gây bệnh. Chẳng hạn như loại virus gây mụn rộp và mụn nước quanh miệng Herpes Simplex có khả năng gây viêm lưỡi, sưng và đau lưỡi. Bên cạnh đó, khi bị rối loạn hệ thống miễn dịch, hoặc mắc chứng Sjögren, bạn cũng sẽ có nguy cơ cao bị viêm lưỡi.

Chấn thương vùng miệng

Các chấn thương trong miệng như vết cắn, vết xước, vết bỏng cũng ảnh hưởng đến lưỡi của bạn. Đặc biệt với những người niềng răng hoặc sử dụng các dụng cụ chỉnh nha thì nguy cơ bị viêm lưỡi sẽ cao hơn.

Các nguyên nhân khác

Bên cạnh các nguyên nhân trên, viêm lưỡi cũng có thể xuất phát từ thói quen sinh hoạt không lành mạnh như sử dụng thuốc lá, rượu bia và chất kích thích. Chế độ dinh dưỡng hằng ngày cũng có tác động đến cơ thể của bạn, trong đó có vùng lưỡi. Ăn nhiều đồ cay, nóng hoặc đồ ăn có tính acid sẽ khiến lưỡi của bạn bị kích thích, bỏng rộp và dễ dẫn đến viêm lưỡi.

Phương pháp điều trị viêm lưỡi hiệu quả nhất hiện nay

Bạn không nên chủ quan nếu tình trạng viêm loét lưỡi diễn ra trong một thời gian dài, tái phát nhiều lần, thậm chí có thể kèm theo triệu chứng chảy máu, đau rát lưỡi, đau vòm họng và hàm, khó nuốt,… Vì đây rất có thể là những dấu hiệu cảnh báo bệnh ung thư lưỡi. 

Nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của cơn đau trong lưỡi và họng sẽ xác định phương pháp điều trị cho tình trạng bệnh này. Thực hiện vệ sinh răng miệng tốt và sử dụng bàn chải đánh răng lông mềm khi vệ sinh răng sẽ làm dịu sự khó chịu và giúp bạn nhanh khỏi bệnh. 

Bạn có thể mua nước súc miệng không kê đơn hoặc mua thuốc theo toa do nha sĩ kê đơn để giúp giảm đau lưỡi. Tránh tiêu thụ các loại thực phẩm và đồ uống cay nóng hoặc có tính axit bởi chúng gây kích ứng thêm cho miệng của bạn.

Các chuyên gia khuyên bạn không nên chủ quan với bất cứ thay đổi nào ở lưỡi, dù là nhỏ nhất. Tốt nhất hãy đi khám sớm để được chẩn đoán tình trạng bệnh và điều trị kịp thời, hạn chế tối đa nguy cơ biến chứng.

Sự kết hợp của tình trạng viêm họng và viêm lưỡi có thể là dấu hiệu của nhiều tình trạng bệnh lý khác nhau như loét miệng, nấm miệng và hội chứng miệng bỏng rát. Xử lý các vấn đề về răng miệng ngay khi chúng phát sinh giúp bạn điều trị sớm và phòng ngừa các tình trạng bệnh lý nghiêm trọng. Hãy bảo vệ sức khỏe răng miệng của bạn bằng cách duy trì thói quen chăm sóc răng miệng tốt và thường xuyên thăm khám nha sĩ.