trẻ em bị loét miệng/ trẻ bị lở miệng - colgate

Hướng dẫn chăm sóc răng miệng cho trẻ bị loét miệng

Bệnh loét miệng có thể xảy ra ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Tuy nhiên trẻ bị loét miệng sẽ cảm giác đau đớn, khó chịu hơn rất nhiều so với người lớn. Việc giúp các bạn nhỏ đối mặt với nó lại là việc khó khăn. Khiến các bé giữ thói quen chăm sóc răng miệng và thực hiện chế độ ăn tốt để cải thiện tình trạng thậm chí có thể còn khó hơn. Dưới đây là một số ý tưởng để giúp em bé của bạn vượt qua sự đau đớn và khó chịu khi trẻ bị loét miệng.

Tìm hiểu thêm:

Bệnh loét miệng ở trẻ là gì?

Bệnh loét miệng ở trẻ (còn gọi là loét áp-tơ) là các vết sưng đỏ có màu trắng ở giữa xuất hiện trong khoang miệng của trẻ. Chúng có thể ở nướu, dưới lưỡi và bên trong má. Chúng không lây nhiễm và thường tự khỏi nhưng bệnh loét miệng thường có tính di truyền trong gia đình.

Cách chăm sóc, điều trị cho trẻ bị loét miệng

Đánh răng cho bé

Nếu con bạn bị loét miệng, bé có thể không muốn giữ thói quen chăm sóc răng miệng hàng ngày (đánh răng và dùng chỉ nha khoa) vì việc này gây đau đớn. Tuy nhiên, giữ cho miệng con bạn sạch sẽ giúp ngăn những vết loét mới xuất hiện và chữa lành vết loét miệng sẵn có. 

Hãy nhẹ nhàng và kiên nhẫn, và nhắc lại với con bạn rằng miệng sạch sẽ chính là miệng khỏe mạnh. Để giúp việc đánh răng bớt đau đớn cho bé, hãy mua bàn chải đánh răng trẻ em mềm nhất. Lông bàn chải siêu mềm sẽ không làm đau nướu nhạy cảm của con bạn. Hãy nhớ chọn kem đánh răng chống ê buốt an toàn cho trẻ nhỏ và hướng dẫn con bạn không chải lên vết loét.

Dùng nước súc miệng và chỉ nha khoa

Sau khi đánh răng, hãy giúp hoặc yêu cầu bé dùng chỉ nha khoa (hay còn được gọi là làm sạch kẽ răng) càng nhiều răng càng tốt. Tạm thời hãy bỏ qua những khu vực xung quanh vết loét. Nếu bé đã đủ lớn (từ 2 tuổi trở lên) súc miệng với nước súc miệng không cồn, diệt khuẩn cũng tốt cho việc điều trị loét miệng.

Kết thúc quá trình này bằng việc bôi gel gây tê răng miệng an toàn cho trẻ (thuốc chữa loét miệng) cho từng vết loét để làm dịu cơn đau. Bạn có thể dùng đầu bông mềm để bôi thuốc.

Mẹo ăn uống cho trẻ bị loét miệng

Các đồ ăn cay và nhiều gia vị làm các vết loét miệng nặng hơn. Nên cha mẹ hãy cho bé ăn đồ ăn mềm, nhạt như là trứng bác, cháo yến mạch, súp kem, sữa chua Hy Lạp, đậu phụ, mì macaroni và phô mai, rau củ hấp, sốt táo, bánh kếp, và sinh tố protein. 

Theo chuyên trang y tế YouMed, đồ ăn giàu protein, kẽm, và vitamin A và C rất tốt cho khoang miệng. Hãy đảm bảo con bạn uống nhiều chất lỏng như sữa lạnh và nước ép nho đã pha loãng sẽ ít gây khó chịu cho các vết loét hơn.

Theo Nha khoa Paris, các vết loét miệng nhỏ sẽ tự hết trong khoảng một đến hai tuần. Mặc dù các vết loét miệng gây đau đớn, bạn vẫn nên khuyến khích bé duy trì thói quen chăm sóc răng miệng hàng ngày. Hãy kiên nhẫn với bệnh nhân bé bỏng của bạn. Hãy dùng các sản phẩm nha khoa không cồn và cho bé ăn đồ mềm, nhạt cho đến khi miệng con bạn khá hơn.