Bé bị nấm miệng - colgate

Nguyên nhân gây nấm miệng ở trẻ và cách điều trị triệt để

Bệnh nấm miệng là bệnh phổ biến ở trẻ nhỏ, nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách thì có thể dẫn đến các biến chứng nặng và tái phát nhiều lần. Do đó, Colgate sẽ cung cấp thông tin đến các bậc cha mẹ về nguyên nhân gây bệnh nấm miệng ở trẻ và cách chữa khi trẻ bị nấm miệng ngay trong bài viết dưới đây.

Nấm miệng ở trẻ là gì?

Nấm miệng là một bệnh lý thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Bệnh nấm miệng ở trẻ xuất hiện do sự phát triển quá mức của nấm Candida albicans. Nấm miệng hay còn gọi là nấm lưỡi vì khi mắc bệnh, đầu lưỡi của bé thường xuất hiện các chấm trắng hoặc đỏ, sau đó lan rộng thành các mảng trắng bám trên mặt lưỡi.

 Bệnh nấm miệng ở trẻ

Triệu chứng khi trẻ bị nấm miệng

Triệu chứng đặc trưng khi trẻ bị nấm lưỡi, nấm miệng là xuất hiện các mảng trắng hình tròn nhỏ bên trong lưỡi, vòm họng, má và môi. Các mảng trắng này khá khó làm sạch và sau khi cạo bỏ, sẽ để lại các vết đỏ bên trong miệng.

Trong một số trường hợp, các vết nấm này có thể gây đau đớn, khó chịu cho trẻ, làm trẻ biếng ăn và quấy khóc khi bú sữa. Nếu không điều trị kịp thời, nấm sẽ phát triển dày đặc và lây lan nhanh chóng xuống đường hô hấp gây viêm phổi hoặc rối loạn tiêu hóa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ.

Trẻ em có nguy cơ bị nấm miệng cao

Nguyên nhân phát bệnh nấm miệng ở trẻ em

Nấm Candida albicans là nguyên nhân chính khiến trẻ bị nấm miệng, lưỡi. Đây là loại nấm tồn tại tự nhiên trong cơ thể người, chung sống hòa bình với các vi sinh vật khác tạo nên hệ vi sinh vật cân bằng. Tuy nhiên có nhiều yếu tố tạo điều kiện cho loại nấm này phát triển mạnh mẽ và gây bệnh như sau:

  • Lạm dụng kháng sinh: Việc sử dụng quá nhiều kháng sinh cho trẻ dưới 1 tuổi có thể làm mất cân bằng hệ miễn dịch. Nếu hệ miễn dịch không cân bằng, nấm Candida có thể phát triển quá mức và gây ra tình trạng trẻ bị nấm miệng.

  • Sức đề kháng yếu: Trẻ sơ sinh có sức đề kháng kém, đặc biệt là những trẻ sinh non, nhẹ cân, thường xuyên ốm yếu, hoặc dùng corticoid để điều trị hen suyễn là đối tượng có nguy cơ cao bị nấm lưỡi, nấm miệng.

  • Nhiễm nấm từ người mẹ: Nếu người mẹ bị nhiễm nấm khi mang thai thì có thể lây nhiễm cho trẻ khi sinh ra. Trong trường hợp sinh thường, trẻ đi qua đường âm đạo thì trẻ rất dễ bị nấm miệng. Ngoài ra, cũng có thể xảy ra trường hợp trẻ bị nấm lưỡi từ đầu ti của người mẹ bị nhiễm nấm.

  • Không vệ sinh răng miệng sạch sẽ: Cơ thể trẻ dưới 1 tuổi còn rất yếu, hệ miễn dịch vẫn chưa được hoàn thiện, vì vậy bất kỳ yếu tố nào cũng có thể gây bệnh. Trẻ bú sữa thường bị tích tụ chất cặn bã trong khoang miệng, nếu không vệ sinh sạch sẽ thì nguy cơ trẻ bị nấm miệng là rất cao. Trẻ dùng ti giả có tiếp xúc với đồ vật bị nhiễm nấm mà chưa được vệ sinh sạch sẽ cũng khiến trẻ bị nấm lưỡi.
 Bệnh nấm miệng ở trẻ

Tìm hiểu thêm về:

Cách chữa nấm bệnh ở trẻ nhanh khỏi, hạn chế tái phát

Bệnh nấm miệng ở trẻ không có thuốc điều trị đặc hiệu và không thể khỏi hoàn toàn mà sẽ tái nhiễm nhiều lần trong suốt quãng đời của trẻ. Do đó, việc chăm sóc và điều trị cho trẻ bị nấm lưỡi đúng cách sẽ đẩy lùi bệnh và ngăn ngừa tái nhiễm.

Vệ sinh miệng hàng ngày cho trẻ

Rửa miệng cho trẻ bằng dung dịch muối 0,9% hoặc nước muối ấm để loại bỏ nấm Candida và làm sạch vùng miệng. Nếu trẻ chưa biết tự rửa miệng, bạn có thể dùng bông gòn ướt để lau sạch miệng của trẻ. Đảm bảo vệ sinh miệng hàng ngày để ngăn ngừa nấm miệng ở trẻ tái phát và lây nhiễm.

Điều trị dứt điểm bằng thuốc kháng nấm

Nấm miệng có khả năng tái nhiễm cao, vì vậy khi phát hiện dấu hiệu nấm miệng trong khoang miệng của bé, ba mẹ cần đưa trẻ đến bác sĩ ngay lập tức để điều trị triệt để. Thông thường, có hai loại thuốc được sử dụng để điều trị cho trẻ bị nấm miệng:

  • Miconazole: Đây là một loại gel dễ sử dụng, giúp tiêu diệt tế bào nấm bên trong miệng bằng cách thoa gel lên các mảng trắng.

  • Nystatin: Đây là một loại thuốc rất hiệu quả trong việc điều trị nấm miệng. Nystatin có dạng viên uống có thể nghiền nát hoặc dạng bột hòa tan trong nước để rửa miệng cho trẻ, đặc biệt là trong trường hợp trẻ không thích sử dụng Miconazole.

Việc lựa chọn loại thuốc phù hợp sẽ được bác sĩ đề xuất dựa trên tình trạng cụ thể và tuổi của bé. Hãy tuân thủ hướng dẫn sử dụng của bác sĩ,sử dụng thuốc đúng liều lượng và thời gian quy định.

Thuốc trị nấm miệng ở trẻ

Thay đổi chế độ ăn uống

Tránh cho trẻ ăn đồ ngọt, thức ăn có đường hoặc bất kỳ thức ăn nào có thể làm tăng sự phát triển của nấm Candida. Hãy đảm bảo rằng trẻ được cung cấp một chế độ ăn uống cân đối và giàu dinh dưỡng.

Dùng rau ngót để chữa trẻ bị nấm lưỡi dưới 1 tuổi tại nhà

Theo các nghiên cứu, rau ngót chứa nhiều chất có tác dụng thông huyết, tiêu độc, chữa ho và đặc biệt là có khả năng trị nấm miệng. Đây là một giải pháp đơn giản và an toàn cho việc điều trị nấm miệng ở trẻ nhỏ.

Dưới đây là cách sử dụng rau ngót để trị nấm miệng:

  • Bước 1: Lấy khoảng 10g rau ngót tươi, rửa sạch, giã nát và vắt lấy nước.

  • Bước 2: Sử dụng một miếng gạc mềm quấn quanh đầu ngón tay. Sau đó, nhúng ngón tay đã quấn gạc vào nước rau ngót đã giã.

  • Bước 3: Lau nhẹ nhàng vùng miệng bị nấm của trẻ, tập trung vào vùng lưỡi, khoang miệng và lợi. Hãy làm nhẹ nhàng và kỹ càng.

Để phương pháp đạt hiệu quả tốt nhất, mẹ nên thực hiện quy trình trên 2-3 lần mỗi ngày. Sau khoảng 3 ngày, cha mẹ sẽ thấy tình trạng trẻ bị nấm miệng giảm đáng kể.

Sử dụng rau ngót trị nấm miệng ở trẻ

Dùng lá trà xanh để chữa cho trẻ bị nấm lưỡi

Lá trà xanh là một nguyên liệu tốt để điều trị nấm lưỡi ở trẻ. Trà xanh không chỉ là thức uống giải nhiệt tốt cho sức khỏe trong mùa hè, mà còn có khả năng chống lão hóa, ngăn ngừa nấm và giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, ung thư.

Dưới đây là cách sử dụng lá trà xanh để trị nấm miệng trẻ em:

  • Bước 1: Đun vài lá trà xanh với một chút nước, có thể thêm một ít hạt muối.

  • Bước 2: Chờ cho nước trà xanh nguội, sau đó sử dụng một miếng gạc mềm quấn quanh đầu ngón tay và chấm vào nước trà xanh rồi bôi lên vùng bị nấm.

Thực hiện quy trình 2-3 lần/ngày để đạt hiệu quả tốt nhất. Phương pháp này chỉ nên áp dụng cho trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên.

Dùng lá trà xanh để chữa nấm miệng ở trẻ dưới 1 tuổi

Tìm hiểu thêm về:

Kiểm tra và điều trị các nguồn lây nhiễm khác

Nếu nấm miệng của trẻ không đáp ứng với điều trị ban đầu hoặc tái phát thường xuyên, hãy kiểm tra xem có bất kỳ nguồn lây nhiễm nào khác trong gia đình hoặc môi trường của trẻ. Điều trị các nguồn lây nhiễm khác cũng rất quan trọng để ngăn ngừa sự tái phát của nấm miệng.

Tham khảo ý kiến bác sĩ khi trẻ bị nấm lưỡi

Nếu triệu chứng nấm miệng không thuyên giảm hoặc trở nên nghiêm trọng hơn, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ. Bác sĩ sẽ có thể đánh giá tình trạng của trẻ và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp hơn, bao gồm việc sử dụng thuốc chống nấm đường uống hoặc chất chống nấm mạnh hơn.

Nấm miệng ở trẻ sơ sinh bao lâu thì khỏi?

Trong giai đoạn ban đầu, khi nấm miệng ở trẻ còn nhẹ, việc áp dụng phương pháp điều trị đúng cách có thể giúp trẻ khỏi bệnh sau khoảng 1-2 tuần.

Bệnh này do nấm gây ra, do đó không thể tự khỏi mà cần phải điều trị bằng thuốc kháng nấm như Nystatin, giúp tiêu diệt các chủng nấm và loại bỏ chân nấm đang bám sâu trong niêm mạc lưỡi của bé. Để đảm bảo điều trị hiệu quả, khi phát hiện dấu hiệu của nấm miệng, ba mẹ nên đưa bé đến cơ sở y tế uy tín để được khám và điều trị kịp thời.

Trẻ bị nấm bao lâu thì khỏi

Cách chăm sóc trẻ trong thời gian bị nấm miệng

Để giúp trẻ khỏi bệnh nấm miệng nhanh chóng, chăm sóc răng miệng đúng cách là rất quan trọng. Dưới đây là một số lưu ý khi điều trị cho trẻ bị nấm miệng ba mẹ nên biết:

  • Sử dụng gạc rơ lưỡi mềm không gây đau và không để lại sợi bông trong miệng trẻ khi vệ sinh miệng cho bé.

  • Rửa tay sạch trước khi rơ lưỡi cho bé. 

  • Gạc rơ lưỡi cần được ngâm trong nước muối sinh lý hoặc dung dịch NaHCO3 để tiêu diệt vi khuẩn trước khi chấm thuốc.

  • không cạo các mảng trắng trên lưỡi bé vì điều này có thể gây chảy máu.

  • Không tự ý sử dụng thuốc khi trẻ chưa được thăm khám và bác sĩ chỉ định.

  • Không hôn trẻ trong thời gian này để hạn chế lây nhiễm nấm từ miệng bé.

  • Vệ sinh ti giả và các loại đồ chơi mà bé hay cho vào miệng. Bạn nên thay núm vú giả và bình bú sau mỗi tuần sử dụng.

Chăm sóc bé khi bị nấm miệng

Nấm miệng ở trẻ là căn bệnh phổ biến ở trẻ em và có thể gây nhiều nguy hiểm nếu không được chữa trị đúng cách. Do đó, ba mẹ cần đặc biệt chú ý đến sức khỏe của con và nếu phát hiện bất kỳ dấu hiệu trẻ bị nấm miệng, hãy đưa trẻ đến thăm khám bác sĩ để xác định tình trạng bệnh. Điều này sẽ giúp cho việc điều trị trẻ bị nấm lưỡi trở nên hiệu quả hơn và tránh các biến chứng có thể xảy ra do bệnh nấm miệng.