Điều trị cho trẻ bị viêm lợi - colgate

Điều Trị Viêm Nướu Cho Trẻ Em

Không có gì vui sướng hơn khi nhìn thấy nụ cười của con trẻ. Ngay từ khi trẻ nhú những cái răng sữa đầu tiên, trẻ sẽ dễ mắc các bệnh về nướu, hay còn được gọi là viêm nướu hay viêm nha chu. Mặc dù tình trạng này phổ biến ở người trưởng thành, viêm nướu vẫn có thể tấn công nướu của trẻ. May mắn là, chữa viêm nướu thường đơn giản và là cơ hội tuyệt vời để dạy con bạn về các thói quen tốt cho sức khỏe răng miệng. Ở đây, chúng ta sẽ xem xét các dấu hiệu của viêm nướu ở trẻ em và những điều bạn có thể thực hiện để ngăn ngừa và điều trị viêm nướu cho con bạn.

Viêm nướu là gì, và các dấu hiệu của viêm nướu?

Khi con bạn chải răng, bạn có chú ý thấy chỗ sưng hay tấy đỏ nào quanh răng hay nướu của bé hoặc bé có phàn nàn về sự sưng tấy và mẫn cảm nào không? Hoặc sau khi đánh răng, bé có nhổ ra một ít máu sau khi súc miệng không? Những hiện tượng này có thể là dấu hiệu của viêm nướu. Mảng bám ở đường viền nướu và giữa các răng gây ra viêm nướu. Theo các bác sĩ bệnh viện Vinmec, mảng bám còn sót lại trên bề răng sẽ trở nên cứng và chuyển thành lớp cao răng. Cao răng thường cứng, tích tụ vi khuẩn, và chỉ có thể được loại bỏ bởi nha sĩ hoặc chuyên gia nha khoa. Nếu cao răng và mảng bám tồn tại trên răng của con bạn, chúng có thể kích thích mô nướu quanh răng của trẻ, dẫn đến chảy máu và sưng tấy, đây là các dấu hiệu của viêm nướu.

Bạn sẵn sàng học cách điều trị viêm nướu cho trẻ rồi chứ? Bạn có thể đã đoán được, cách tốt nhất để phòng ngừa viêm nướu ở trẻ em là phòng ngừa hình thành mảng bám ngay từ đầu. Đây là một số gợi ý để giúp giảm, ngăn ngừa và điều trị viêm nướu.

Chải Răng Cho Trẻ

Chải răng thường xuyên, kỹ lưỡng là điều cần thiết để ngăn ngừa và đẩy lùi bệnh viêm nướu. Trong khi trẻ em trên 5 tuổi thường tự chải răng mà không có sự giám sát của người lớn, những trẻ nhỏ hơn cần sự giúp đỡ để hình thành thói quen và kỹ năng chải răng. Mỗi đứa trẻ đều khác nhau, vì thế bạn có thể cần nắm được một số mẹo để giúp con bạn chải răng hiệu quả nhất. Nhưng điều quan trọng nhất là chải răng với bàn chải đánh răng lông mềm (hãy thử để trẻ chọn một chiếc bàn chải ở cửa hàng) và kem đánh răng có chứa Fluoride hai lần một ngày.

Làm sạch kẽ răng

Ngoài chải răng, làm sạch kẽ răng bằng cách sử dụng dụng cụ làm sạch như chỉ nha khoa là một trong những cách phòng tránh quan trọng nhất để chống lại mảng bám. Nhưng như bạn đã biết, sử dụng chỉ nha khoa là một thói quen không dễ hình thành. May mắn là bạn có thể lựa chọn chỉ nha khoa hay các bàn chải kẽ răng có sẵn chỉ nha khoa để khiến trải nghiệm này thêm thú vị. Khuyến nghị chung hãy bắt đầu sử dụng chỉ nha khoa cho răng của con bạn ngay khi bé có hai răng mọc sát vào nhau ở tầm 2 hoặc 3 tuổi.

Để sử dụng chỉ nha khoa cho răng trẻ, hãy dùng một đoạn chỉ dài khoảng 46 cm và cuộn chặt hai đầu sợi chỉ quanh các ngón giữa. Cẩn thận đưa chỉ nha khoa vào giữa các răng, tạo thành hình chữ 'C'. Di chuyển chỉ nha khoa lên và xuống, trượt nhẹ xuống dưới nướu để loại bỏ bất cứ mảng bám hay thức ăn nào còn sót lại. Dùng một đoạn chỉ sạch giữa mỗi hai răng. Khi lên 10 tuổi, trẻ có thể tự sử dụng chỉ nha khoa một cách hiệu quả. Chuyên viên nha khoa có thể giúp hướng dẫn trẻ các kỹ năng chải răng và dùng chỉ nha khoa đúng cách.

Lên Lịch Cạo Vôi Răng

Như đã nói ở trên, khi cao răng hình thành, chỉ có chuyên gia mới có thể loại bỏ nó. Các chuyên viên nha khoa sẽ loại bỏ cao răng bằng các phương pháp vệ sinh chuyên nghiệp giúp điều trị viêm nướu. Nếu các triệu chứng viêm nướu của trẻ nghiêm trọng, hãy lên lịch loại bỏ cao/ vôi răng để nha sĩ hoặc chuyên gia nha khoa có thể điều trị các triệu chứng càng sớm càng tốt. Nếu không, hãy nhớ xếp lịch khám răng định kỳ sáu tháng một lần với nha sĩ.

Trong các buổi khám, nha sĩ sẽ loại bỏ mảng bám bằng bộ dụng cụ cạo vôi răng phù hợp và làm sáng bóng răng bằng bột đánh bóng loại bỏ mảng bám đặc biệt. Quá trình lấy vôi răng bởi nha si hoặc các chuyên gia nha khoa giúp loại bỏ mảng bám hình thành trên răng và nướu của trẻ , qua đó cải thiện thói quen chăm sóc răng miệng của trẻ.

Dưỡng Ẩm Cho Miệng Khô

Khô miệng có thể khiến nướu bị chảy máu quanh các răng hàm trên. Những đứa trẻ bị nghẹt mũi hoặc thở bằng miệng thường xuyên trong khi ngủ có thể bị khô miệng và dễ bị chảy máu nướu. Thói quen trên dẫn đến thiếu nước bọt khiến vi khuẩn sinh sôi và phát triển nhiều hơn dẫn đến tình trạng viêm nướu. May mắn là, chỉ cần bôi một lớp mỏng sáp dưỡng môi lên môi và nướu, đồng thời uống một cốc nước mỗi tối có thể giúp giữ ẩm cho miệng. Nếu tình trạng thở bằng miệng của con bạn kéo dài, hãy tham vấn bác sĩ nhi khoa để xác định nguyên nhân và phương hướng điều trị. Thở bằng miệng có thể liên quan đến các vấn đề về phát triển hàm, vì thế hãy gặp bác sĩ chỉnh nha nếu cần thiết.

Làm Gương Cho Trẻ

Việc thực hành vệ sinh răng miệng tốt và khuyến khích chăm sóc răng miệng tốt ở trẻ nhằm giảm và loại bỏ viêm nướu là rất hữu ích. Bạn càng khuyến khích các thói quen tốt này, cũng như cho trẻ ăn các loại hoa quả và rau củ lành mạnh, thì bạn càng đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa viêm nướu ở trẻ.

Bằng cách chăm sóc tại nhà bền bỉ, nướu sẽ quay trở lại sắc hồng tự nhiên chỉ trong vài tuần, nếu không phải là vài ngày. Tuy nhiên, nếu một chế độ ăn uống được cải thiện và thói quen chăm sóc răng miệng tuyệt vời không giúp cải thiện tình trạng viêm nướu của con bạn, hãy đến gặp chuyên gia nha khoa để được thăm khám kĩ hơn. Nha sĩ có thể thảo luận về việc loại bỏ những nguyên nhân nghiêm trọng hơn và đề xuất kế hoạch điều trị hiệu quả nhất.

Học cách chữa viêm nướu cho trẻ mới biết đi và trẻ nhỏ là một nhiệm vụ lớn lao. Tóm lại, để giúp con bạn hiểu được hậu quả của hình thành mảng bám, hãy phát triển một thói quen chăm sóc răng miệng tốt, ăn thực phẩm lành mạnh, và chú ý đến việc vệ sinh răng miệng thường xuyên. Khi nướu của con bạn chắc và khỏe trở lại, hãy tiếp tục giúp bé hình thành thói quen chăm sóc sức khỏe răng miệng tốt. Bằng cách đó, trẻ sẽ giữ được nụ cười tươi rạng rỡ mà bạn sẽ yêu quý suốt đời.