Sưng chân răng: Nguyên nhân và cách điều trị an toàn

Các nguyên nhân bị sưng chân răng và cách điều trị

Published date field Cập nhật mới nhất:

Được Colgate Global Scientific Communications đánh giá về mặt y khoa

Sưng chân răng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, xuất hiện với triệu chứng sưng đỏ vùng nướu, đau nhức, viêm lợi có mủ, hơi thở có mùi,... Tình trạng này xuất hiện chủ yếu do viêm nướu, viêm nha chu và viêm tủy răng, cần được điều trị kịp thời để tránh gây ra các biến chứng nghiêm trọng hơn. Cùng Colgate tham khảo bài viết sau đây để biết cách điều trị và phòng ngừa sưng chân răng hiệu quả.

Triệu chứng sưng chân răng

Sưng chân răng là tình trạng các tổ chức quanh răng bị viêm nhiễm, sưng tấy, về lâu dài có thể dẫn đến nhiều tổn thương nghiêm trọng (răng lung lay, gãy răng hàng loạt,...). Một số triệu chứng điển hình có thể gặp phải gồm:

  • Vùng nướu răng sưng đỏ, đau khi chạm vào và có thể lan ra khắp hàm.

  • Nướu chảy mủ, tách khỏi răng.

  • Răng lung lay nhẹ.

  • Hơi thở có mùi khó chịu. 

  • Không thể nhai bên răng bị đau, đau tăng lên khi ăn. 

  • Nổi hạch dưới hàm hoặc cổ, hạch đau khi chạm vào.

Sưng chân răng hàm dưới gây đau nhức

Các nguyên nhân khiến bạn bị sưng chân răng

Tình trạng sưng chân răng có thể xảy ra do các nguyên nhân sau đây:

Sưng chân răng do viêm nướu, viêm nha chu

Viêm nướu thường gây kích ứng, sưng đỏ và đau tấy ở vùng nướu. Triệu chứng ban đầu thường không nghiêm trọng nên dễ khiến người bệnh chủ quan không đi khám sớm. Về lâu dài, chân răng bắt đầu sưng to kèm mủ, dẫn đến biến chứng viêm nha chu hoặc rụng răng.  

Nguyên nhân chủ yếu do thói quen vệ sinh răng miệng sai cách, không làm sạch hoàn toàn thức ăn trong kẽ răng và lợi, tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi, phát triển, gây sưng lợi và viêm nướu. 

Sưng chân răng có mủ do viêm tủy răng

Sưng chân răng là triệu chứng điển hình của viêm tủy răng. Răng sâu do nhiễm trùng hoặc chấn thương không được điều trị đúng cách sẽ dẫn đến tổn thương tủy răng. Vi khuẩn từ lỗ sâu sẽ xâm nhập vào tủy răng theo chiều dọc chân răng, lâu dần gây ra nhiễm trùng tủy. 

Tình trạng này kéo dài càng lâu hoặc nhiễm trùng lan sâu xuống cuống răng sẽ dẫn đến áp xe răng. Đây là giai đoạn nghiêm trọng, cần được điều trị kịp thời, hiệu quả để tránh ổ viêm xâm nhập toàn bộ chân răng và phá hủy các răng lân cận. Biến chứng nguy hiểm nhất của viêm tủy răng là mất xương hàm, thậm chí nhiễm trùng huyết, đe dọa đến tính mạng.

Viêm tủy răng gây sưng đau chân răng

Viêm chân răng khi mang thai

Trong giai đoạn mang thai, hormone trong cơ thể có nhiều thay đổi, làm tăng lượng máu vận chuyển đến nướu, từ đó gây ra tình trạng kích ứng. Ngoài ra, ở thời kỳ này, cơ thể cũng giảm sản sinh prostaglandin (một loại axit béo tự nhiên có khả năng kháng viêm), khiến mẹ bầu dễ bị viêm nướu và sưng chân răng hơn bình thường. 

Nhiễm trùng răng

Nhiễm trùng răng, nhiễm trùng nướu do nấm và vi khuẩn cũng là nguyên nhân gây sưng chân răng. Bệnh lý này nếu không điều trị sớm có thể gây ra biến chứng áp xe răng, sưng nướu răng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe răng miệng cũng như khả năng ăn nhai.

Thiếu vitamin và chất dinh dưỡng

Vitamin B và C đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với sức khỏe răng miệng. Đặc biệt, cơ thể thiếu Vitamin C là một trong những nguyên nhân phổ biến gây sưng tấy chân răng, đau khớp, da bầm tím,...

Sưng chân răng ở trẻ em

Tình trạng sưng chân răng ở trẻ em chủ yếu xuất phát từ hai bệnh lý sau đây:

  • Viêm lợi trong giai đoạn mọc răng: Quá trình mọc răng là điều kiện thuận lợi để mảng bám thức ăn tích tụ và vi khuẩn gây hại sinh sôi, phát triển. Điều này dẫn đến sưng đau vùng chân răng nhưng thường chỉ diễn ra tạm thời.

  • Viêm lợi miệng phồng rộp (viêm lợi miệng Herpes nguyên phát): Đây là bệnh lý nhiễm trùng cấp tính do chủng virus Herpes tuýp 1 gây ra, lây truyền qua đường hô hấp dưới dạng bọt khí. Bệnh thường xảy ra ở trẻ từ 2 - 5 tuổi với thời gian ủ bệnh khoảng 1 tuần.

Trẻ em bị sưng chân răng hàm trên và dưới trong giai đoạn mọc răng

Quá trình tiến triển bệnh lý sưng chân răng

Tình trạng sưng chân răng thường tiến triển qua 2 giai đoạn như sau:

  • Giai đoạn 1 - Sưng chân răng mức độ nhẹ: Ở giai đoạn này, người bệnh vẫn có thể ăn uống như bình thường do chỉ đau nhức nhẹ. Triệu chứng có thể cải thiện nhanh chóng và hiệu quả nếu biết cách chăm sóc, ăn uống, vệ sinh đúng cách. 

  • Giai đoạn 2 - Phần nướu lợi bị sưng to: Ở giai đoạn này, phần nướu đã sưng to, có thể gây đau nhức, ê ẩm kể cả khi chạm vào. Người bệnh không thể ăn thực phẩm lạnh hoặc nóng vì dễ gây kích ứng, ê buốt răng. Bệnh cần điều trị kịp thời để tránh chảy máu chân răng, sưng mủ chân răng và nhiều biến chứng đáng lo ngại khác. 

Sưng chân răng làm sao hết? Phương pháp điều trị triệt để

Tùy vào mức độ sưng chân răng, người bệnh có thể áp dụng phương pháp chăm sóc tại nhà hoặc can thiệp điều trị y tế theo chỉ định của bác sĩ. Cụ thể như sau:

Điều trị sưng chân răng tại nhà

Các trường hợp sưng chân răng nhẹ hoàn toàn có thể xử lý hiệu quả tại nhà bằng cách chăm sóc, vệ sinh răng miệng, ăn uống đúng cách: 

  • Đánh răng đúng cách đều đặn 2 lần/ngày bằng bàn chải lông mềm mại.

  • Sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch thức ăn bám trong kẽ răng, thao tác nhẹ nhàng để tránh gây tổn thương nướu. 

  • Súc miệng nước muối để trung hòa độ pH trong miệng và làm dịu tình trạng viêm nướu.

  • Luôn uống đủ nước mỗi ngày để điều tiết tuyến nước bọt, hạn chế vi khuẩn gây hại phát triển. 

  • Không ăn thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh, đồ uống có cồn, không hút thuốc lá để tránh gây kích ứng nướu và răng. 

  • Chườm lạnh bên ngoài vị trí tổn thương để làm giảm triệu chứng sưng chân răng, sau đó chườm ấm để hỗ trợ giảm đau. 

Điều trị viêm chân răng tại phòng khám nha khoa

Đối với các trường hợp sưng chân răng do viêm, người bệnh cần đến phòng khám nha khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh bệnh tiến triển nặng, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe. Dựa trên mức độ sưng đau, thời điểm, tần suất xuất hiện triệu chứng cũng như nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ đánh giá được mức độ tổn thương. Người bệnh cũng có thể cần chụp X-quang răng, xét nghiệm máu để chẩn đoán chính xác bệnh lý đang gặp phải. 

Thông thường, phương pháp điều trị chủ yếu đối với tình trạng này là lấy cao răng để làm sạch sâu vùng nướu viêm nhiễm, kết hợp uống thuốc kháng viêm, kháng sinh răng để giảm đau. Một số trường hợp nghiêm trọng có thể phải can thiệp phẫu thuật nướu và xương hàm để chữa trị triệt để.

Đi khám nha khoa nếu tình trạng sưng chân răng tiến triển nặng

Cách phòng ngừa viêm chân răng hiệu quả

Bệnh viêm chân răng không chỉ gây sưng đau, ảnh hưởng đến ăn uống, sinh hoạt hàng ngày mà còn có nguy cơ gây ra nhiều biến chứng đáng lo ngại nếu điều trị muộn. Do đó, việc chủ động phòng ngừa ngay từ đầu là rất cần thiết. Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa viêm chân răng hữu ích bạn có thể áp dụng:

  • Chăm sóc và vệ sinh răng miệng đúng cách, ít nhất 2 lần/ngày.

  • Sử dụng chỉ nha khoa hoặc tăm nước thay cho tăm tre để tránh gây tổn thương nướu.

  • Khi đánh răng, nên chải xoay tròn hoặc chiều dọc, không chải ngang để tránh gây tổn thương lợi và men răng. 

  • Uống nhiều nước.

  • Không hút thuốc lá, bỏ thói quen uống rượu bia, nước ngọt, cà phê,... để bảo vệ sức khỏe răng miệng.

  • Lấy vôi răng định kỳ 6 tháng/lần tại nha khoa.

Chăm sóc răng miệng đúng cách để ngăn ngừa sưng đau chân răng

Bài viết trên đã chia sẻ chi tiết về tình trạng sưng chân răng, triệu chứng, nguyên nhân và phương pháp điều trị hiệu quả. Hy vọng bạn có thể cập nhật thêm nhiều kiến thức hữu ích trong vấn đề chăm sóc, bảo vệ sức khỏe.


Top từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất: cách giảm đau răng khôn, niềng răng có đau không, thuốc trị hôi miệng, dụng cụ cạo lưỡi, ngứa lợi, kem đánh răng, bàn chải đánh răng, nước súc miệng