Bị sưng lợi nguyên nhân do đâu? Cách điều trị sưng lợi hiệu quả

Nguyên nhân bị sưng lợi do đâu? Lợi bị sưng nên làm gì?

Published date field Cập nhật mới nhất:

Được Colgate Global Scientific Communications đánh giá về mặt y khoa

Sưng lợi là một trong những dấu hiệu liên quan đến bệnh răng miệng phổ biến và dễ mắc phải. Chúng xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau, nếu không nhận biết và chữa trị kịp thời có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng khác. Trong bài viết này, cùng tìm hiểu về những nguyên nhân phổ biến gây sưng lợi và các biện pháp để điều trị và ngăn chặn tình trạng này.

Xem thêm:

Bị sưng lợi có nguy hiểm không?

Lợi bị sưng sẽ không gây quá nhiều nguy hiểm cho bệnh nhân nếu được phát hiện và điều trị kịp thời. Ngược lại, sưng lợi nếu kéo dài mà không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến viêm nướu răng, tổn thương đến các mô nướu, xương và thậm chí mất răng.

Với những trường hợp bị sưng lợi nhẹ hoặc không xuất phát từ những vấn đề nghiêm trọng, bạn hoàn toàn có thể chữa hết sưng lợi đơn giản và nhanh chóng. Tuy nhiên, tình trạng sưng lợi kéo dài có thể là biểu hiện của bệnh lý nha khoa nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như đời sống sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân. Cụ thể như sau:

  • Bệnh viêm nha chu: Sưng lợi thường là một trong những dấu hiệu của viêm nướu và có thể phát triển thành viêm nha chu. Nó có thể gây tổn thương nướu và mô xung quanh răng, thậm chí là mất răng.

  • Tăng nguy cơ mắc bệnh lý về răng miệng: Sưng lợi sẽ làm tích tụ vi khuẩn và mảng bám dẫn đến nguy cơ bị sâu răng.

  • Suy giảm khả năng nhai: Lợi bị sưng phồng làm tăng kích thước của nướu, gây khó chịu và ảnh hưởng đến khả năng nhai thức ăn của bạn.

  • Gây nhiễm trùng: Trong những trường hợp nghiêm trọng, sưng lợi có thể gây nhiễm trùng và có khả năng lan sang các bộ phận khác, gây nguy hiểm đối với sức khỏe.

Sưng lợi gây nguy hiểm hay không phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ sưng cụ thể

Nguyên nhân khiến lợi bị sưng

Dưới đây là một số nguyên nhân chính khiến lợi bị sưng:

Vệ sinh răng miệng kém

Quy trình chăm sóc răng miệng kém chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến sưng lợi. Đánh răng sai kỹ thuật, dùng lực mạnh, sử dụng bàn chải lông cứng, di chuyển bàn chải không đều sẽ làm tổn thương nướu và gây sưng tấy. 

Thói quen vệ sinh răng miệng sơ sài, không đều đặn cũng gây tích tụ vi khuẩn và mảng bám trên răng. Những mảng bám này chứa nhiều vi khuẩn và các tác nhân gây viêm, khiến cho mô nướu trở nên nhạy cảm và dễ bị sưng lợi.

Mắc thức ăn trong kẽ răng, chân răng

Lợi bị sưng tấy là một trong những phản ứng thông thường khi các mảnh thức ăn bị kẹt lại ở kẽ răng hoặc chân răng lâu ngày. Các thức ăn thừa sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi và phát triển, gây kích ứng và viêm nhiễm vùng lợi bị ảnh hưởng. Với nguyên nhân này, bạn chỉ cần chải răng đúng cách, sử dụng chỉ nha khoa, nước súc miệng hoặc tăm nước đều đặn, tình trạng sưng lợi sẽ thuyên giảm.

Viêm lợi, viêm nướu răng

Lợi sưng phồng và tấy đỏ thường là biểu hiện cơ bản và rõ ràng nhất của bệnh viêm lợi và viêm nướu răng. Đây là một bệnh nướu răng phổ biến xuất phát từ thói quen vệ sinh không đúng cách. Khi mảng bám và vi khuẩn tích tụ quá mức trên răng và nướu, chúng gây ra sự kích ứng lên mô nướu xung quanh.

Nhiễm trùng răng

Nhiễm trùng răng kéo dài và không được điều trị kịp thời có thể tạo thành một ổ viêm ở khu vực xung quanh răng. Nhiễm trùng nướu làm gia tăng sưng lợi, gây cảm giác khó chịu và đau đớn cho người bệnh. Cũng giống như bệnh viêm nướu, lợi sưng là một cơ chế tự nhiên của cơ thể để loại bỏ vi khuẩn và các tác nhân gây nhiễm trùng.

Lợi bị sưng do tác dụng phụ của thuốc

Sử dụng các loại thuốc kháng sinh, thuốc chống trầm cảm,... có thể gây sưng lợi. Trong các loại thuốc này có chứa thành phần làm giảm tiết nước bọt trong khoang miệng và gây khô miệng. Khi đó, nướu trở nên dễ bị kích thích và tổn thương hơn do không có đủ nước bọt để giữ ẩm và bảo vệ khỏi vi khuẩn. Ngoài ra, một số loại thuốc có thể tác động lên hệ thống miễn dịch, làm cho cơ thể trở nên nhạy cảm và phản ứng bất thường như sưng nướu.

Mọc răng khôn gây sưng lợi

Răng khôn mọc lệch, mọc không đúng hướng hoặc chèn lên các răng khác có thể gây sưng lợi. Ngoài ra, việc vệ sinh răng khôn cũng rất khó khăn do chúng mọc ở sâu bên trong khoang miệng, lâu ngày mảng bám và vi khuẩn có thể tích tụ và phát triển.

Mọc răng khôn có thể gây sưng lợi nếu răng mọc lệch hoặc vệ sinh không đúng cách

Sưng lợi ở phụ nữ trong thời gian thai kỳ

Phụ nữ mang thai thường gặp vấn đề lợi bị sưng. Trong quá trình mang thai, cơ thể phụ nữ trải qua sự biến đổi hormone lớn. Nguyên nhân do sự gia tăng hormone progesterone làm cho nướu trở nên nhạy cảm và dễ sưng hơn. Hơn nữa, phụ nữ khi mang thai thường có sự thay đổi trong chế độ ăn uống. Nếu cơ thể không bổ sung đủ vitamin và các khoáng chất quan trọng, sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của răng miệng và làm tăng khả năng sưng lợi.

Cơ thể bị thiếu dinh dưỡng

Các chất dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin B và C, đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì nướu khỏe mạnh và bảo vệ các cấu trúc xương xung quanh răng. Khi cơ thể thiếu hụt các chất dinh dưỡng, mô nướu có thể trở nên yếu hơn, mất khả năng đàn hồi và dễ bị kích ứng. Việc thiếu hụt các chất dinh dưỡng có thể xảy ra do chế độ ăn uống không đầy đủ và cân đối.

Phương pháp điều trị sưng lợi

Có thể thấy rằng, sưng lợi xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Để điều trị tình trạng này hiệu quả, bạn cần áp dụng phương pháp chữa trị tùy thuộc vào mức độ sưng và nguyên nhân cụ thể. Dưới đây là một số cách trị viêm nướu và sưng lợi phổ biến:

Biện pháp giảm sưng lợi tại nhà

Nếu lợi chỉ bị sưng nhẹ và không có triệu chứng nghiêm trọng khác, người bệnh có thể tự điều trị tại nhà bằng những cách sau đây:

  • Chải răng ít nhất hai lần mỗi ngày, sau khi ăn sáng và trước khi đi ngủ.

  • Chải răng theo chiều xoay tròn trong vòng 2 phút với kem đánh răng trị viêm nướu để loại bỏ mảng bám hiệu quả hơn.

  • Sử dụng chỉ nha khoa mỗi ngày để làm sạch kẽ răng và loại bỏ mảng bám ở chân răng.

  • Chọn bàn chải lông mềm và chỉ nha khoa chất lượng để không làm tổn thương lợi.

  • Sử dụng nước súc miệng trị viêm nướu để giảm viêm và sưng lợi.

  • Uống đủ nước để giữ cho miệng không bị khô.

  • Hạn chế thức ăn cay nóng và đồ uống chứa chất kích thích như cà phê, rượu bia, tránh hút thuốc lá.

  • Ăn uống khoa học, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng.

  • Ngủ đúng giờ và đủ giấc, nghỉ ngơi hợp lý, tránh để cơ thể mệt mỏi.

Lấy cao răng tại phòng khám nha khoa

Phương pháp điều trị sưng lợi bằng cách lấy cao răng tại phòng khám nha khoa là một quy trình chuyên sâu được thực hiện bởi bác sĩ nha khoa để làm dịu tình trạng sưng lợi. Nha sĩ sẽ làm sạch và loại bỏ hoàn toàn các mảng bám ở chân răng, đường viền nướu và trên bề mặt răng. Trong quá trình cạo vôi răng, bác sĩ nha khoa có thể kiểm tra tình trạng của nướu, đánh giá sức khỏe nướu và phát hiện sớm các vấn đề có thể xảy ra.

Sử dụng thuốc trị viêm lợi

Sử dụng thuốc trị viêm lợi là một phương pháp hiệu quả để làm giảm tình trạng sưng, đau và viêm nhiễm nướu. Người bệnh có thể dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen nhằm giảm viêm và đau trong trường hợp sưng lợi. Lưu ý rằng việc sử dụng thuốc cần được tư vấn và hướng dẫn bởi bác sĩ, đặc biệt là khi có bất kỳ vấn đề nào liên quan đến sức khỏe. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây sưng lợi, bác sĩ có thể điều chỉnh liều lượng thuốc phù hợp để mang lại hiệu quả tốt nhất.

Tiểu phẫu làm sạch lợi bị sưng

Tiểu phẫu làm sạch lợi có thể được các bác sĩ nha khoa tư vấn thực hiện khi người bệnh mắc vấn đề nghiêm trọng hơn như viêm nhiễm nướu, áp xe răng. Bác sĩ có thể thực hiện chích rạch áp xe răng để giảm áp lực trong khu vực bị sưng và kiểm soát nhiễm trùng. Quá trình này giúp làm dịu cảm giác đau và giảm sưng hiệu quả.

Cách phòng ngừa sưng lợi

Để ngăn chặn tình trạng sưng lợi và duy trì sức khỏe răng miệng, bạn có thể thực hiện theo các cách sau:

  • Đánh răng đúng cách ít nhất 2 lần mỗi ngày, vào buổi sáng và buổi tối hoặc sau bữa ăn để loại bỏ mảng bám và vi khuẩn trên bề mặt răng.

  • Sử dụng chỉ nha khoa hoặc tăm nước để loại bỏ thức ăn thừa. Dùng thêm nước súc miệng giúp làm sạch răng miệng và đem lại hơi thở thơm mát.

  • Lựa chọn bàn chải đánh răng và chỉ nha khoa chất lượng để đảm bảo hiệu quả trong việc làm sạch và massage nướu.

  • Hạn chế uống nước ngọt, rượu bia, ăn đồ ăn cay nóng, tránh hút thuốc lá.

  • Duy trì chế độ ăn uống cân đối và đầy đủ chất dinh dưỡng. Bổ sung vitamin bằng cách ăn nhiều rau củ, trái cây hoặc sử dụng thực phẩm chức năng.

  • Lấy cao răng và khám răng định kỳ 2 lần/năm giúp phát hiện sớm và điều trị các vấn đề nướu và răng.

Bài viết trên vừa cung cấp cho bạn đọc thông tin về những nguyên nhân gây sưng lợi và cách điều trị và phòng ngừa sưng lợi. Thực hiện và duy trì những thói quen chăm sóc răng miệng lành mạnh giúp bạn tự tin hơn với một nụ cười khỏe mạnh. Hãy nhớ rằng thăm khám bác sĩ nha khoa định kỳ để được tư vấn và chăm sóc răng miệng phù hợp với tình trạng sức khỏe của bạn.

Top từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất: cách giảm đau răng khôn, kháng sinh răng, niềng răng có đau không, thuốc trị hôi miệng, dụng cụ cạo lưỡi, ngứa lợi, kem đánh răng